
HOA SEN
Hoa sen vốn có ý nghĩa vô cùng sâu rộng trong đời sống, văn hóa Á Đông. Nhắc đến hoa sen, thì có vô số những mỹ từ dành cho loài hoa này. Hoa sen là loài hoa đặc biệt nhất, thậm chí là duy nhất hiển hiện trong hầu hết mọi mặt đời sống, xã hội, văn hóa và tâm linh của con người, các mặt có thể kể đến:
- Ẩm thực
- Nghệ thuật hội họa, nhiếp ảnh, thời trang, trang sức, điêu khắc…
- Văn chương, thơ ca
- Kiến trúc: các công trình cổ điển như đền thờ, chùa chiềng đến các cao ốc hiện đại đều có mô phỏng lại hình tượng hoa sen
- Tôn giáo: Phật giáo, Ấn Độ giáo (Hindu)
Truyền thuyết Phật giáo kể rằng, tại vườn hoa Lâm Tì Ni, vào lúc Đản sinh, mỗi bước trong bảy bước chân đầu tiên của Đức Phật đều có hoa sen nâng đỡ. Bảy bước chân sen đó trượng trưng cho bảy giai đoạn tu hành của một phàm nhân tiến lên Phật quả phải bước qua. Phật giáo coi Hoa sen (tiếng Phạn: padma) là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa tự nhiên. Theo kinh Lalitavistara, phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn. Còn theo Phật giáo Mật tông thì trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen. Câu thần chú có sức mạnh vô biên trong Phật giáo: "Án ma ni bát mê hồng" (Om mani padme hum), có nghĩa là "chân linh trong hoa sen". Sau đây là một số trích đoạn tiêu biểu trong các kinh nguyên thủy:
- [Tăng chi bộ kinhIA:51]: “Ta có thể là người với các lậu hoặc đã đoạn tận... Ví như bông sen xanh, bông sen hồng hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn ra khỏi nước, đứng thẳng, không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà la môn, Ta là Phật, hãy ghi nhớ như vậy”.
- [Tăng chi bộ kinhIA: 161]: “Như nước giọt lá sen, như hột cải đặt đầu mũi kim, người không đắm nhiễm ái dục cũng như thế; Ta gọi họ là Bà la môn”.
- [Tăng chi bộ kinhIIA: 58]: “Như từ trong đống bùn nhơ vất bỏ, sinh ra hoa sen thanh khiết ngọt ngào làm đẹp ý mọi người; cũng thế, chỉ từ nơi chốn phàm phu ngu muội mới sản sinh những vị đệ tử bậc Chính giác đem trí tuệ soi sáng thế gian”.
- Trong kinhPháp Cú có các đoạn:
- Câu 58:
Giữa đống rác bẩn thỉu,
Vất bỏ bên đường hoang,
Hoa sen thơm ngào ngạt,
Đẹp lòng khách qua đàng.
- Câu 55:
Hoa chiên đàn, già la
Hoa sen, hoa vũ quý
Giữa những hương hoa ấy
Giới hương là vô thượng.
- Câu 336:
Ai sinh sống trên đời,
Hàng phục được tham ái,
Khổ đau sẽ vuột khỏi,
Như nước trượt lá sen.
Như thế, Hoa sen luôn hiện diện và gắn liền với Phật giáo, có ý nghĩa biểu trưng cho bậc giác ngộ không bị đắm nhiễm giữa cuộc đời.

Biểu tượng hoa sen còn có một khía cạnh khác, nghe có vẻ trái ngược với hình tượng thuần khiết trong tâm trí phật tử trong dòng chảy Phật giáo Bắc Tông, như ở các nước Việt Nam, Trung Hoa. Trong văn hóa cổ xưa Ấn Độ, hoa sen là biểu tượng phồn thực, biểu thị cho cơ quan sinh dục nữ, cũng tức là biểu trưng của Âm hộ vĩ đại (Yoni), và đó chính là nguyên lý âm trong vũ trụ. Theo truyền thuyết Ấn giáo cổ đại, vị thần vĩ đại nhất là thần Shiva xuất hiện lần đầu là một cột lửa có hình dương vật, biểu tượng của sự sáng tạo, sinh sôi phát triển. Sau đó, Linga và Yoni hòa vào một cặp Linga-Yoni, thành biểu tượng vị thần Shiva với đặc tính dương (Linga) và âm (Yoni). Từ thời xa xưa trong văn hóa Ấn Độ, hoa sen được xem là biểu tượng của luân hồi, cánh hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai. Cũng giống như Phật được miêu tả ngồi trên hoa sen, Đức Brahma (tác giả của vũ trụ) và Đức Vishnu (người bảo quản vũ trụ) cũng xuất hiện với hoa sen. Truyền thuyết đạo Hindu kể rằng Brahma được sinh ra từ hoa sen đang mọc ra từ Vishnu. Lakshmi, nữ thần giàu có và thịnh vượng, cũng được khác họa hình ảnh đứng trên hoa sen. Theo đó, hoa sen trong nền văn hóa Ấn cổ đại không có nghĩa là hình tượng tiêu cực mà ngược lại, hoa sen là loài hoa thần thánh, có ý nghĩa cho tính nữ (tính âm) thiêng liêng, cho sự sinh sôi nảy nở, sáng tạo, phồn thịnh, cân bằng âm dương.

Ở Việt Nam, từ bao đời nay, hoa sen đã nằm trong tâm thức đời sống văn hóa Việt. Nếu hoa đào chỉ phổ biến ở miền Bắc, hoa mai là đặc trưng của miền Nam thì hoa sen phổ biến ở cả ba miền đất nước. Hoa sen đẹp thanh tao, thoát tục, nhưng cũng hết sức gần gũi với người Việt, như người nông dân gần gũi với ruộng đồng. Trên khắp Việt Nam, từ bắc vào nam, đâu đâu cũng có hoa sen. Mỗi một làng Việt Nam truyền thống đều có cánh đồng lúa, lũy tre xanh, cây đa và ao sen. Trong văn hóa Việt Nam, hoa sen không chỉ là loài hoa đẹp mà còn là một biểu tượng văn hóa trong lòng người Việt, là biểu tượng của nhân cách Việt - Trong sáng, sống thanh cao, sống đẹp dù trong bất kì hoàn cảnh nào, như câu ca dao “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Luckii đã cố gắng vừa cô đọng hình tượng hoa sen vừa vẫn giữ được nét tự nhiên của hoa. Một đóa sen nở cùng chiếc lá sen được thể hiện qua nghệ thuật chạm khắc gỗ đã có từ ngàn xưa của người Việt. Ngày ngày, cầm nắm một nhánh mộc sen trong lòng bàn tay, chắc chắn sẽ đem lại nhiều phước khí cho người sở hữu chiếc ốp gỗ. Mộc sen như một lời nhắn nhủ ở chủ nhân rằng: Luôn giữ lòng an, tâm sáng, khí chất thanh cao, mọi việc sẽ luôn suôn sẻ, vận khí tốt tự thân phát triển dồi dào.

CÁ CHÉP VƯỢT THÁC
Truyện xưa kể rằng, khi trời đất mới hình thành, Thượng đế tạo ra mưa. Nước từ mưa gió tạo ra sông, kênh rạch, ao hồ, biển cả, tạo ra nguồn sống. Và mọi sự sống trên thế gian bắt đầu xuất hiện, sinh sôi, nảy nở từ đó.
Khi trần gian đã nên hình nên tượng, Thượng đế không làm mưa gió nữa, mà sai rồng là loài linh vật cõi trời, bay lượn ở trên không và phun nước xuống trần gian làm ra mưa. Nhưng vì số rồng trên trời có giới hạn, không đủ làm mưa cho đều khắp mọi nơi, Thượng đế mới đặt ra một kỳ thi kén chọn các con vật lên làm rồng. Cuộc thi gồm ba kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt qua cả ba đợt thì mới đậu để được hóa rồng. Chiếu chỉ của Thượng đế ban xuống dưới Thủy cung, vua Thủy tề loan báo cho tất cả thủy dân, để tất cả tranh nhau đi thi.
Trong một tháng trời, bao nhiêu loài thủy tộc đến thi đều bị loại, vì không con nào vượt trót được cả ba đợt sóng. Có con cá rô nhảy qua được một đợt, đợt sau thì bị rớt. Có con tôm nhảy qua được hai đợt, ruột gan vây vẩy râu đuôi đã gần hóa rồng, nhưng đến đợt ba, đuối sức té xuống nên lưng nó bị cong lại.
Đến lượt có một con cá chép vào cuộc thi. Cá chép vượt thác khi trong miệng có ngậm một viên ngọc trai. Thần gió thấy vậy bay đến để xem. Thần gọi gió, mây đen ào ạt kéo đến, sấm sét ầm trời, cùng những đợt sóng cao trổi dậy. Cá chép không ngại những cơn sóng dữ, mà lại dựa vào chúng, cố sức lần lượt vượt qua ba đợt sóng to, nhả ngọc vượt qua Vũ Long Môn và hóa rồng. Sau khi hóa rồng, cá chép phun nước tạo mưa, giải trừ hạn hán. Đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi, muôn loài bỗng trở nên thức tỉnh, sự sống được hồi sinh.
Nhưng không phải cá chép nào cũng có khí chất (mang ngọc quý trong thân), không phải cá nào cũng có phẩm chất, đủ dũng khí đối diện khó khăn, xem trở ngại là bàn đạp để tự mình vượt lên. Tất cả cá chép đều có cơ hội trở thành rồng, nhưng thành bại lại là do bản thân nỗ lực như thế nào. Do đó, cá chép muốn hóa rồng thì phải cố gắng hết mình bơi ngược dòng vượt qua Vũ Môn.
Cuộc sống của một con người cũng tương ứng như vậy. Từ khi sinh ra, chúng ta luôn có vô số thứ để va vấp học hỏi, có muôn vàn thử thách, trở ngại giống như những dòng nước không ngừng tuôn chảy, mà hướng đến của thành công lại ở đầu dòng chảy. Con người muốn đạt được thành tựu, thì không thể lười biếng cho bản thân trôi xuôi dòng, để mặc dòng đời cuốn đi đâu cũng được; mà cần phải tự biết ngược dòng để phấn đấu, không ngại khó, ngại khổ, kiên trì vượt qua nghịch cảnh mới có thể cải biến số phận.
![]() |
Lại theo sự tích Á Đông, cá chép còn là vật cưỡi của ông Táo khi về trời. Hàng năm, Táo quân được Ngọc hoàng (ông Trời) phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện - ác của loài người, báo cáo cho Ngọc hoàng. Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình. Bởi thế, cứ đến ngày Tết Táo quân, hay Tết ông Công ông Táo, tức ngày 23 tháng Chạp là người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị hai hoặc ba con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem phóng sinh ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời. |
Như vậy, theo quan niệm phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, cá chép biểu trưng cho sự sung túc, no ấm, sum vầy của mỗi gia đình. Về công danh sự nghiệp, cá chép là biểu tượng của thành đạt có được do nỗ lực vượt lên chính mình, của thăng tiến đổi vận và may mắn về tài lộc.
Hình tượng con cá chép tung mình, cố sức vượt lên trong từng đợt sóng lớn được chạm khắc nổi trên mặt gỗ, là lời động viên của Luckii dành cho ai sở hữu chiếc ốp này: Hãy cố gắng hết mình, cứ dũng cảm ngược dòng, kiên trì đến cùng, thành tựu sẽ đến ngay trước mắt.

NGỌC KỲ LÂN
Đỏ thắm quanh năm ở trước sân
O tròn tựa ngọc rũ trên thân
Trang nghiêm lặng lẽ hương trầm tỏa
Hoa rơi cửa Phật - Ngọc kỳ lân
Có một loài cây thân gỗ hay được trồng ở những nơi linh thiêng, trong sân chùa chiềng Phật giáo ở Đông Nam Á, có cái tên đẹp đẽ là Ngọc Kỳ Lân. Cái tên này có nguồn gốc từ vẻ đẹp của những nhánh hoa độc đáo chỉ có ở loài cây này.
Ngọc kỳ lân nở hoa quanh năm, hoa đỏ rực xum xuê từ ngọn đến gốc, lại có mùi thơm dịu như hương trầm. Ngoài ra, cây trổ bông quanh năm, lại trổ mỗi ngày, từ nửa đêm đến 14 giờ mới bắt đầu tàn. Điều đặc biệt hơn là, trên cành bông của ngọc kỳ lân không có lá, chỉ có hoa và những lớp búp xanh ngọc nằm san sát nhau. Trên mỗi cành thường chỉ một đến hai đóa hoa đang nở phía ngọn, còn lại là những lớp búp to nhỏ trải dài. Với lớp lớp bông nối tiếp, các cành bông vẫn dài ra mỗi ngày và vượt quá 1m. Hoa đỏ như cái đầu con lân đang há miệng, những cái búp hoa tròn bóng như ngọc, mỗi nhánh hoa gợi lên hình tượng đầu con kỳ lân đớp ngọc. Tên của cây cũng từ nhẽ ấy mà người xưa đặt nên.
![]() |
![]() |
Rất nhiều người đã nhầm lẫn cho rằng ngọc kỳ lân là sala và vô ưu, thực ra ba loài cây: ngọc kỳ lân, sala, vô ưu là ba loài cây hoàn toàn khác nhau. Truyền thuyết kể rằng Đức Phật được mẹ, hoàng hậu Maya, sinh ra dưới gốc cây vô ưu. Khi bà đang lên cơn đau thì một cành cây chìa ra cho bà nắm lấy. Còn nơi Đức Phật nhập niết bàn là một rừng cây sala. Còn ngọc kỳ lân được trồng phổ biến ở các công trình Phật giáo Đông Nam Á, có lẽ do vậy mà ngày càng có nhiều người lẫn lộn giữa ba loài cây thiêng liêng này.
Tương truyền rằng khi nhặt được hoa ngọc kỳ lân rụng thì đó là lộc trời nên hàng trăm người lễ chùa Rằm tháng giêng thường đến sớm để ra gốc cây nhặt hoa rụng với mong ước mang được may mắn, an lành về cho mình và gia đình. Điều tối kỵ chính là chúng ta chỉ chờ hoa rơi xuống mình thì mới là lộc thật sự, mới linh nên không ai đưa tay hái hoa cả. Dù có là tín ngưỡng, hay niềm tin dân gian, hay có sự nhầm lẫn nào đó, thì hoa ngọc kỳ lân từ lâu đời đã khắc sâu trong tâm trí phật tử Việt là một loài hoa tâm linh nơi cửa Phật.
Hoa ngọc kỳ lân tự nhiên đã có hình tượng cao quý đẹp đẽ, lại thường được trồng ở những nơi linh thiêng, được nhiều phật tử yêu mến, thành kính. Do đó, các nghệ nhân của Luckii đã tìm cách chuyển tải cái hồn của hoa ngọc kỳ lân vào trong tác phẩm của mình. Hình tượng một nhánh hoa rũ nhẹ, buông xả sẽ đem lại sự an tịnh, êm ấm cho bạn và gia đình.
(Bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn)

LỘC
Hình tượng con hươu luôn có một vị trí quan trọng, tốt đẹp trong văn hóa phương Đông, nhất là ở các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thường xuất hiện trong tranh ảnh, họa tiết trang trí nghệ thuật, văn học. thơ ca.
Truyền thuyết Trung Quốc kể rằng, loài hươu được sinh ra từ ánh hào quang của viên ngọc quý, nó có cơ duyên mang lại vạn điều tốt lành. Thiên lộc là một loài hươu có tuổi thọ khá cao, trên thân có nhiều đốm hoa ngũ sắc. Chỉ khi đấng quân vương trong thiên hạ trị nước bằng hiếu đạo thì loài hươu này mới xuất hiện. Còn có một loại hươu khác gọi là bạch lộc (hươu trắng) cũng là loại thú tượng trưng cho sự cát tường, thường cũng xuất hiện cùng bậc tiên nhân. Bạch lộc có thể sống tốt hơn một nghìn năm. Khi sống được khoảng 500 tuổi, màu lông nâu xám của hươu dần chuyển sang màu trắng. Tương truyền, cuối đời, Lão Tử đã cưỡi trên một con bạch lộc đi về phương nào chẳng rõ. Khi đấng quân vương ổn định được nền chính trị cuộc sống trăm dân an lành tất hươu trắng xuất hiện.
Chữ "鹿" (lộc- hươu nai) và chữ "禄" (lộc- phúc lộc) đồng âm, do vậy hươu được xem là tượng trưng cho phúc lộc. Trong một số bức tranh cát tường thường vẽ 100 cái đầu hươu, gọi là Bách lộc. Khi vẽ con hươu và con Dơi cạnh nhau thể hiện phúc lộc song toàn vẽ con hươu và hãi chữ Phúc- Thọ biểu thị ý nghĩa Phúc- Lộc- Thọ. Hươu cũng là vật tượng trưng cho sự trường thọ. Do vậy, trong các bức tranh chúc thọ truyền thống thường vẽ con hươu cùng Thọ tinh. Loài hươu Elaphurus davidianus ở Trung Quốc là loài vật làm nền tảng cho sinh vật Tứ Bất Tượng là thú cưỡi của Khương Tử Nha, sừng giống hươu nhưng không phải hươu, mặt giống ngựa nhưng không phải ngựa, tiếng kêu giống bò nhưng không phải bò, đuôi giống lừa nhưng không phải lừa.
Trong văn hóa đại chúng Trung Quốc, hươu là biểu tượng cho một cuộc sống lâu dài và khả năng chịu đựng tốt, là biểu tượng của sự may mắn và trường thọ. Cách đọc tiếng hươu trong tiếng Trung Quốc cũng gần giống vỡi cách đọc của từ thu nhập. Chính vì vậy, loại động vật này cũng là biểu tượng của sự sung túc, giàu có. Trong nghệ thuật Trung Quốc, hươu cũng thường gắn liền với các chức quan tòa án, biểu tượng của sự công bằng, lẽ phải, danh tiếng và sự nghiệp thành công.
Người Nhật coi hươu như là một Bảo vật quốc gia. Trong cả ngàn năm, hươu ở đây được quan niệm như con vật linh thiêng, thần thánh.
Hươu sao Nhật Bản là loài vật được coi như là lời nhắn gửi của thượng đế trong Thần đạo Shinto, chúng xuất hiện ở khắp các bãi cỏ trong ngôi chùa Todai-ji. Đặc biệt là ở công viên Nara với đàn hươu sao đi lại tự do trong công viên vì theo Thần Đạo của Nhật Bản thì hươu được xem là sứ giả của thần linh. Theo truyền thuyết, một vị thần mang tên Takemikazuchi đã cưỡi hươu sao tới Nara để bảo vệ thành phố. Vì thế, người dân ở Nara rất tôn kính hươu trong suốt 1.300 năm qua. Du khách thường gọi công viên Nara là công viên Hươu, tại vì ở đây có khoảng 1,200 con hươu sống tự do, được người dân Nhật Bản yêu mến và tôn kính.
Trên chiếc ốp lưng bằng gỗ sang trọng của Luckii, hình tượng con hươu cùng đôi lộc (đôi sừng) lực lưỡng, vươn dài, tràn đầy sức sống của thiên nhiên, chính là biểu tượng của sự sung túc, tài lộc và trường thọ. Chiếc ốp với biểu tượng Lộc dành cho cho những doanh nhân thành công, thương nhân làm ăn buôn bán, những con người đang phấn đấu thăng quan tiến chức, khẳng định bản thân. Chiếc ốp gỗ may mắn này còn là món quà tặng thân thương cho bản thân và người thân, bạn bè vào mùa xuân đầu năm, dịp lễ tết để chiêu tài, đón lộc, cùng chúc nhau một năm gặp nhiều may mắn, dồi dào sức khỏe.

PHỤNG VŨ
Phụng vũ là một biểu tượng chắt lọc do Luckii thiết kế để gợi tả về một loài linh vật đầy sức mạnh và quyền lực. Đó chính là Phụng hoàng, loài chim trong truyền thuyết, xuất hiện trong nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây.
- Truyền thuyết về Phụng hoàng phương Tây:
Phụng hoàng là con chim lửa thần thánh trong nhiều thần thoại các quốc gia phương Tây. Phụng hoàng tỏa lửa rực rỡ với một bộ lông vàng và đỏ, hoặc màu tím và xanh dương theo một số nguồn, đến cuối đời tự xây tổ bằng cành cây nhựa thơm và sau cùng tự đốt cháy. Cả chim và tổ đều cháy thành tro bụi, và từ nơi đó, tiểu phượng hoàng hoặc trứng phượng hoàng từ đó phát sinh, tái sinh lại một lần nữa để sống một lần nữa. Phượng hoàng cũng được cho là sẽ tái sinh khi bị thương, cơ bản nó là bất tử và bất khả chiến bại. Tương tự như vậy, người ta khẳng định rằng một con phượng hoàng có thể chữa lành một người với những giọt nước mắt của nó, và thậm chí tạm thời làm cho họ miễn nhiễm với thần chết.
Mặc dù các miêu tả và tuổi thọ của nó là khác nhau, nhưng phượng hoàng đã trở thành phổ biến trong nghệ thuật, văn học Kitô giáo thời kỳ đầu cũng như là của chủ nghĩa tượng trưng Kitô giáo, giống như biểu tượng của chúa Giê-su, và ngoài ra, nó còn tượng trưng cho sự chết, phục sinh và bất tử của Giê-su.
Người Hy Lạp có thể đã phỏng theo phượng hoàng của người Ai Cập, đồng nhất hóa nó với phượng hoàng của chính họ là Pheonix, có nghĩa là màu đỏ tía hay đỏ sẫm. Theo thần thoại Hy Lạp thì phượng hoàng sống tại Ả Rập bên cạnh một cái giếng. Khi bình minh, nó tắm bằng nước giếng này và thần Mặt Trời là Apollo đã dừng cỗ xe ngựa (tức là mặt trời) của mình để nghe tiếng hát của nó.
Trong văn hóa dân gian Do Thái, người ta nói rằng phượng hoàng là con vật duy nhất không đi theo Adam khi ông bị trục xuất ra khỏi vườn Eden.
- Truyền thuyết về Phụng hoàng phương Đông:
Phụng hoàng nguyên thủy là các con chim trong thần thoại của người dân khu vực Đông Á chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, ngự trị trên tất cả các loài chim khác. Trước đây, con trống được gọi là Phụng còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn và Phụng cùng Hoàng đã được trộn lẫn vào nhau thành một thực thể giống cái, gọi là phụng hoàng, để cho nó có thể ghép cặp với long (rồng), là con vật mang ý nghĩa của giống đực.
Trong văn hóa phương Đông, Phụng hoàng là một trong bốn “Tứ Linh” quyền quý và uy lực nhất. Thần thoại kể rằng, sau khi vị thần Bàn Cổ nổ thoát ra từ “quả trứng” khổng lồ của sự hỗn loạn, 4 sinh vật khác đã theo ông tồn tại. Đó là Long [rồng], Ly [kỳ lân], Quy [rùa], và Phụng [phụng hoàng]. Đây được gọi là Tứ Linh, đã hợp sức với thần Bàn Cổ để tạo ra thế giới; sử dụng thần thông của mình để tạo ra ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa và thổ), tạo ra 4 mùa (xuân, hạ, thu, đông), 4 hướng (bắc, nam, đông, tây). Trong cuộc kiến tạo thế giới thì Phụng hoàng làm chủ lửa, mùa hạ, và phương Nam.
Người Á Đông tin rằng, Phụng hoàng là biểu tượng của ân sủng và đức tin, còn là linh vật quyền uy như Rồng. Các hoàng đế Trung Hoa đặt hình tượng Phụng Hoàng trong cung điện hoặc thêu lên hoàng bào, tượng trưng cho chiến thắng, uy quyền.
Trung Hoa thời cổ đại, hình ảnh của Phụng Hoàng trong các trang trí của đám cưới hay của hoàng tộc cùng với Rồng, biểu tượng cho quan hệ hạnh phúc giữa chồng và vợ, một kiểu ẩn dụ khác của âm và dương.
Phụng được tìm thấy trong những hình khắc trên thanh gươm, hay được thêu trên Kimono Nhật Bản. Trong những thiết kế hình xăm Phụnng hoàng của Nhật, thường kết hợp với Rồng, tượng trưng cho âm và dương, sự kết hợp hài hòa của đức tính tốt nhất của phụ nữ và nam tính.
Trong truyền thuyết của người Ấn Độ, Hoàng đế Ấn Độ khi đó là Asoka đã cầu thần linh và xin sức mạnh của Phụng hoàng để chiến thắng quân nhà Tấn (năm 265 TCN), từ đó Phụng hoàng cũng là biểu tượng linh thiêng của sức mạnh.
- Biểu tượng của sự quyền quý:
Chim Phụng xuất hiện rất nhiều trong các nền văn hóa trên thế giới. Dù trong nền văn hóa nào thì hình ảnh Phụng hoàng cũng mang ý nghĩa thiêng liêng và cao quý. Trong văn hóa Phương Đông, phụng được coi là nữ hoàng của các loài chim. Nó kết tinh được vẻ đẹp và sự mềm mại thanh lịch duyên dáng của các loài: đầu gà, chiếc cổ cao của chim hạc và bộ đuôi dài rực rỡ của loài chim công, mỏ là mỏ của chim nhạn... đặc biệt là bộ cánh thân hình óng ánh rực lửa.
Phụng có 5 màu sắc tượng trưng cho năm đức tính: ngay thẳng, lương thiện, công bằng, chung thủy và lòng khoan đại. Phụng hoàng xuất hiện là báo hiệu điềm tốt lành, đó là lúc xã hội thái bình có thánh nhân hoặc hiền triết xuất hiện, hoặc có vua hiền sáng suốt, chế độ công bằng, lấy đức mà trị dân và dân chúng thuần phục thì chim phượng sẽ từ trên trời bay xuống chúc mừng và điều khiển nhân loại.
Phụng hoàng là biểu tượng của hoàng gia và quyền quý cũng như đức hạnh, vẻ duyên dáng và thanh nhã của người phụ nữ truyền thống.
- Biểu tượng cho mối liên hệ giữa người và Thần:
Truyền thuyết mô tả cơ thể của chim Phụng hoàng như tương ứng với các thiên thể, với đầu của nó là bầu trời, mắt của nó mặt trời, lưng là mặt trăng, chân là trái đất, và đuôi là các hành tinh. Do đó, Phụng hoàng được xem là sự liên kết giữa thế giới người và Thần.
Thân hình của Phụng hoàng tượng trưng năm đức tính của con người: đầu tượng trưng cho đức hạnh, đôi cánh tượng trưng cho tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ, chiếc lưng tượng trưng cho cách đối nhân xử thế khéo léo, bộ ngực là lòng nhân đạo và lòng trắc ẩn và phần bụng biểu thị sự đáng tin cậy.
Bộ lông sặc sỡ của chim Phụng hoàng bao gồm 5 màu cơ bản của triết học Phương Đông: vàng, trắng, đỏ, đen, xanh; tương ứng với 5 giá trị Nho giáo là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín… Phụng hoàng lửa trong văn hóa phương Đông là nguồn cảm hứng mãnh mẽ tôn vinh các giá trị truyền thống. Chim Phụng hoàng kết nối vũ trụ, thiên nhiên, con người với các nguyên tắc đạo đức truyền thống để trở thành biểu tượng vĩnh cửu của cái đẹp, sự duyên dáng, đức hạnh và thần thánh.
Từ việc kiến tạo vũ trụ và tỏa sáng các phẩm chất cao quý, Phụng hoàng được xem là sự liên kết giữa thế giới con người và Thần. Phụng hoàng là biểu tượng của đạo đức tốt đẹp và sự thông thái, trí tuệ, những phẩm chất được Thượng đế ban cho con người.
Vì nó nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa hoàng gia và Thần, chim Phụng hoàng cũng là biểu tượng hoàn hảo cho Hoàng hậu, và một sự phù hợp lý tưởng cho rồng, tượng trưng cho “Thiên tử,” - hoàng đế.
![]() |
![]() |
- Biểu tượng cho sự tái sinh:
Trong truyền thuyết Do Thái, chim Phụng hoàng được biết đến là Milcham – một loài chim bất tử trung thành. Ở vườn Địa Đàng, khi Eva sở hữu quả táo tri thức, Eva đã dụ dỗ các loài động vật trong vườn ăn trái cấm. Chỉ riêng Chim Milcham đã từ chối lời đề nghị này. Thượng Đế cảm kích sự trong sáng của Phụng hoàng nên đã ban phép cho loài chim này được sống bất tử, mỗi chu kỳ 1000 năm, Phụng hoàng sẽ được tái sinh từ một ngọn lửa.
Sự bất tử của Phụng hoàng là ân sủng của Thượng Đế với phẩm cách cao quý của loại chim này khi từ chối cám dỗ tội lỗi. Vì thế Phụng cũng là biểu tượng cho đạo đức, sự thánh khiết. Chim Phụng hoàng hồi sinh trong lửa cháy tượng trưng cho ý tưởng rằng cái kết thúc chỉ là sự khởi đầu. Phụng hoàng tái sinh từ đống tro tàn trở thành biểu tượng mạnh mẽ trong tôn giáo, văn hóa biểu thị cho đức hạnh đem đến cuộc sống vĩnh cửu; và sự hủy diệt là để sự tái tạo cho những khởi đầu mới.
Do có liên hệ với chủ đề cái chết và sự phục sinh, Phụng hoàng đã trở thành một biểu tượng phổ biến trên các bia đá Công giáo thời đầu, biểu thị cho cái chết của Chúa Giê-Su và sự phục sinh ba ngày sau đó. Nó cũng biểu tượng cho một ngọn lửa vũ trụ đã tạo ra thế giới và cũng sẽ tiêu hủy nó. Sự tái sinh kỳ diệu cũng ngụ ý rằng chim Phụng hoàng báo sự xuất hiện của những sự kiện vào thời khắc đặc biệt, trong lịch sử nó báo hiệu của những nhà hiền triết vĩ đại, cho thấy sự xuất hiện của đạo đức và sự ổn định.
- Tựu trung lại, Phụng hoàng là một biểu tượng quyền quý, từ xưa vốn chỉ xuất hiện bên cạnh các bậc đế vương, thần thánh. Luckii chỉ gợi tả chim Phụng hoàng nhẹ nhàng qua hình tượng một chiếc lông vũ, trong hình dáng của ngọn lửa. Nắm giữ chiếc phụng vũ trong tay như nắm giữ sự tự tôn, đạo đức và đức hạnh cao quý. Bên cạnh đó, vì là biểu tượng của ngọn lửa tái sinh của loài chim bất tử, phụng vũ giúp bạn luôn tin tưởng bản thân sẽ hồi sinh mạnh mẽ, chuyển bại thành thắng dù đang đối diện với nghịch cảnh nào đi nữa.

LINH KIẾM
Biểu tượng linh kiếm do các nghệ nhân Luckii sáng tác nên. Ý tưởng linh kiếm mà Luckii muốn đưa vào tác phẩm của mình, khởi nguồn từ một điển tích có dấu mốc lịch sử quan trọng, thâm ý cao siêu của Phật giáo Bắc tông (hay còn gọi là Phật giáo Đại thừa). Điển tích kể rằng:
- Phần I: Ngài Cưu Ma La Thập
Câu chuyện này diễn ra ở Trung Quốc, trong khoảng 300 năm SCN, khi Phật giáo Bắc tông bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ.
Thời bấy giờ, ở phía Bắc Trung Nguyên, một trong các tù trưởng có thế lực của dân tộc Hung Nô thời đó, là Phù Kiên. Phù Kiên nhờ đánh cướp mà chiếm được thần kiếm Can Tương, vốn là bảo kiếm trấn quốc của người Hán. Nhờ năng lực siêu phàm của Can Tương thần kiếm, Phù Kiên hàng phục những tù trưởng ở các bộ lạc, được suy tôn làm Vô Địch Thần Kiếm Hoàng Đế.
Nhờ năng lực bách chiến bách thắng của Can Tương thần kiếm, Phù Kiên cho quân đi chinh phạt, thống nhất cả phương Bắc, chiếm đến hai phần ba đất nước Trung Nguyên. Phù Kiên tự xưng là Thiên tử, lấy quốc hiệu Phù Tần, đặt niên hiệu Kiến Nguyên.
Vào năm Kiến Nguyên thứ chín, Phù Kiên thấy ngôi sao lạ hiện ra ở bờ cõi phía Tây Vực. Đêm nào cũng vậy, Phù Kiên lên Tây Minh Các ngắm tinh tượng, đều nhìn rõ một luồng bạch quang sáng rực từ một vì tinh tú biên giới Tây Vực chiếu xuống soi rõ cả một vùng trời, bèn ngấm ngầm kinh hãi chẳng biết đó là điềm gì, lành hay dữ, trong lòng bất an không dứt.
Quan thái sử của Phù Kiên giải điềm báo, nói rằng sẽ có một bậc thánh đức, trí nhân, vào giúp Phù Kiên bình định bốn biển, khơi sáng nhân tâm, làm cho xã tắc trường cửu, quốc gia thịnh trị đến muôn đời.
Cho rằng người đó là ngài Cưu Ma La Thập ở nước Quy Tư, là bậc thánh triết, thao lược gồm đủ, trí đức tròn đầy, thông tuệ siêu phàm, Phù Kiên sai Tướng quân Lữ Quang đem bảy vạn binh mã, tấn công nước Quy Tư, buộc phải dâng nộp Ngài Cưu Ma La Thập, mang về Trường An giúp hắn bình định thiên hạ.
Lữ Quang vâng lệnh, chỉ huy bảy vạn binh, vượt Nhạn Môn Quan tiến đánh nước Quy Tư suốt một năm trời. Sau khi thắng trận, họ Lữ rút quân về triều ca, mang theo Ngài Cưu Ma La Thập để dâng cho Phù Kiên đúng như quân mệnh. Nhưng vừa tới đất Tây Lương, được tin cấp báo: Phù Kiên đã bị tướng Diêu Trành giết bằng chính lưỡi kiếm Can Tương, trong một âm mưu soán đoạt ngôi thiên tử. Phần đông bá quan văn võ cũng như sĩ tốt và dân chúng đều oán ghét sự cai trị hà khắc, tàn ác của Phù Kiên nên khi thấy Diêu Trành lật đổ chính quyền, bèn suy tôn Diêu Trành lên ngôi Thiên tử. Diêu Trành đặt quốc hiệu là Diêu Tần (lịch sử gọi là Hậu Tần), phong con là Diêu Hưng làm Thái tử.
Mấy năm sau, nhà vua Diêu Trành băng hà, trao quyền bính lại thái tử Diêu Hưng. Vua Diêu Hưng vốn là một bậc minh quân tôn sùng Phật pháp. Vua cho triệu tập quần thần để bàn việc trị, đề cập đến việc tìm thỉnh ngài Cưu Ma La Thập về trợ giúp trong công cuộc trị quốc bình thiên hạ và ổn cố nhân tâm, vạch ra kế sách vẹn toàn cho xã tắc.
Kể về tiểu sử của ngài Cưu Ma La Thập. Ngài ấy xuất thân dòng dõi công khanh nước Thiên Trúc. Lúc Ngài lên bảy tuổi, bà mẹ sùng mộ giáo nghĩa Nguyên Thủy, bèn xuất gia tu tập hạnh Đầu Đà. Ngài cũng theo mẹ mà xuất gia, mỗi ngày tụng một ngàn bài kệ gồm ba vạn hai ngàn lời, mà tự mình thông hiểu nghĩa. Lớn lên, Ngài cùng mẹ đến nước Kế Tân đảnh lễ ngài Bàn Đầu Đạt Đa cầu học giáo lý Nguyên Thủy, được Ngài Bàn Đầu Đạt Đa dạy cho các bộ kinh như Trường Bộ kinh, Trung Bộ kinh, Tăng Chi Bộ kinh và Tương Ưng Bộ kinh.
Ngài La Thập cho rằng về mặt triết lý tư tưởng thì nền tảng Tứ Đế và Thập Nhị Nhân Duyên không thể nào hàng phục chúng sinh Đông Độ, vốn không ham chuộng quả vị Thanh Văn Duyên Giác. Do đó, Đại Thừa nỗ lực phát triển tư tưởng Bát Nhã, Tánh Không để thích ứng với căn cơ chúng sinh từng gieo hạt giống Đại Thừa, hâm mộ Phật Tri Kiến. Về mặt cứu cánh thì đạo quả rốt ráo của Nguyên Thủy là A La Hán, trong khi mục tiêu tối hậu của Đại Thừa là quả vị Phật Đà, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Mà lý tưởng A La Hán chỉ thích hợp với những người có tâm chí tự độ, nhàm chán sinh tử, ưa chuộng Niết Bàn. Còn lý tưởng Bồ Tát Đạo thường lấy sự nghiệp cứu độ chúng sinh làm phương tiện và cứu cánh cho công cuộc hoàn thành Phật đạo. Đó là điểm khác biệt giữa hai lý tưởng: A La Hán và Bồ Tát Đạo, hay còn là sự khác nhau căn bản giữa Phật giáo Nam tông và Phật giáo Đại thừa.
Biết ngài Cưu Ma La Thập vẫn còn ở trong tay của Lữ Quang, hoàng đế Diêu Hưng đã điều động mười vạn tinh binh, ngự giá thân chinh, khẩn cấp xuất quân nhắm Tây Lương thẳng tiến. Đến nơi thì Lữ Quang đã chết, con là Lữ Long lên nắm quyền. Qua mấy trận giao chiến gay go, Lữ Long bị đánh bại, chấp thuận dâng nộp Ngài La Thập làm lễ cầu hòa. Hoàng đế Diêu Hưng mừng rỡ sai tả hữu bày biện kiệu tán cờ quạt cung thỉnh Ngài La Thập về Trường An.
Nhà vua sai thiết lập một pháp tòa cao mười lăm thước, cung thỉnh Ngài La Thập, tôn Ngài là Quốc sư, tự xưng đệ tử. Giờ phút ấy đã mở đầu một trang sử mới rực rỡ đầy hứa hẹn cho chúng sinh Trung Nguyên, bắt đầu cung nghinh ánh sáng của Phật giáo Đại Thừa.
- Phần II: Sáu loại kiếm thế gian
Sau đây là câu chuyện đàm đạo giữa nhà vua Diêu Hưng và Quốc sư Cưu Ma La Thập, thông qua việc ngài La Thập muốn trao tặng vua một thanh bảo kiếm, để trấn quốc, an dân, vừa là lợi khí siêu việt để bình định thiên hạ, mưu đồ hạnh phúc cho dân chúng. Câu chuyện này thấm nhuần triết lý và quan niệm của Phật giáo Đại thừa.
Ngài La Thập nghe vua Diêu Hưng kể về Can Tương thần kiếm của Phù Kiên ngày xưa sử dụng để chiếm đoạt Trung nguyên. Sau này lọt vào tay vua Diêu Trành, và trước khi băng hà, tiên đế đã trao lại cho Diêu Hưng như một bảo vật trấn quốc. Nhưng vua Diêu Hưng cho rằng Can Tương thần kiếm là một khí giới bá đạo với năng lực hủy diệt khôn cùng, chẳng thể mang lại hạnh phúc cho muôn dân, chẳng thể dùng vào việc giáo hóa quần sinh, thâu phục nhân tâm được, chỉ có tác dụng tạm thời. Ngài La Thập mới trình bày Sáu Loại Kiếm trong pháp giới, nói rằng Diêu Hưng hâm mộ loại kiếm nào thì sẽ hiến tặng đúng như sở nguyện. Sáu loại kiếm gồm có: ba loại Thế Gian Kiếm và ba loại Xuất Thế Gian Kiếm.
Thế Gian Kiếm gồm có phàm Phu Kiếm, Chư Hầu Kiếm và Thiên Tử Kiếm!
- Thế nào là Phàm Phu Kiếm?
Phàm Phu Kiếm là vật cầm tay của những kẻ phàm phu hễ nghịch ý thì tuốt gươm ra, hễ nổi giận thì vung đao chém. Hoặc vì cái lợi nhất thời mà giết, hoặc vì tham lam mà giết, vì sân hận mà sát hại muông thú và đồng loại. Phàm Phu Kiếm còn ám chỉ tất cả khí giới bén nhọn, bạo lực của kẻ mê muội.
- Còn Chư Hầu Kiếm là gì?
Chư Hầu Kiếm bao gồm từ những lợi khí của những kẻ có tham vọng đè đầu cỡi cổ dân đen, bằng bạo lực có tổ chức, bằng binh lực sắt máu, bằng mưu mô xảo quyệt, bằng sự hỗ trợ của sách vở kinh điển và những kẻ cơ trí để thỏa mãn ý chí tranh bá đồ vương của mình. Chư Hầu Kiếm còn là sức mạnh của giai cấp thống trị, miệng mồm tuy rêu rao “tế thế an dân, đem y thực văn tự đến cho tất cả nhân quần”, nhưng thật ra, đó chính là những con sài lang chuyên xẻ thịt uống máu thiên hạ, bóc lột trăm họ.
- Còn Thiên Tử Kiếm là gì?
Thiên Tử Kiếm bao gồm tất cả quyền lực thống trị của một số người tự xưng là Minh Quân, Thánh Chúa. Kẻ sử dụng Thiên Tử Kiếm đã cưỡng hiếp mệnh trời làm Mũi Kiếm, lợi dụng minh triết thánh hiền làm Chuôi Kiếm, trộm cắp chí nguyện bình thiên hạ làm Vỏ Kiếm. Bọn người này, đã trau chuốt bạo lực bằng chính nghĩa, dọa dẫm muôn dân bằng đạo đức giả trá, dụ dỗ bá tánh bằng kinh điển hư ngụy, vỗ về hào kiệt bốn phương bằng quyền bính và tài lợi, dối gạt kẻ hiền trí bằng nhân nghĩa, che lấp lịch sử bằng hành động giảo quyệt gian hùng.
Kẻ sử dụng Thiên Tử Kiếm mà đắc thời, thì bốn phương rúng chuyển, thiên hạ quay cuồng, nhân tâm tán thất, lịch sử đổi thay. Trong lịch sử, đã có nhiều vua chúa, thế lực cai trị quốc gia độc tài dùng Thiên Tử Kiếm.
Xuất Thế Gian Kiếm gồm có phàm Thanh Văn Duyên Giác Kiếm, Giác Ngộc Hữu Tình Kiếm, Như Lai Vô Lượng Kiếm!
- Thanh Văn Duyên Giác Kiếm:
Kiếm này Dành cho những người muốn giải thoát, khiếp hãi luân hồi, nhàm chán sinh tử, đặt mục tiêu tối hậu là Niết Bàn. Vỏ kiếm được đúc bằng Giới Luật, chuôi kiếm được rèn bằng giáo lý nguyên thủy là pháp Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên.... Lưỡi kiếm được kết tinh bởi thiền định căn bản là Tứ Niệm Xứ và sống kiếm được làm bằng Trí Tuệ Vô Ngã.
- Giác Ngộ Hữu Tình Kiếm: cũng còn gọi là Bồ đề Bát Nhã Kiếm.
Đây là thanh kiếm có năng lực phi thường, dành cho các bậc Bồ-tát Bát Địa trở lên, sử dụng để an nhiên ra vào sinh tử mà cứu vớt tất cả chúng sinh vô phân biệt, tuy chứng nhập niết bàn mà vẫn không lìa ba cõi. Vỏ kiếm được đúc bằng Nhiêu Ích Hữu Tình Giới hoặc Tứ Vô Lượng Tâm, chuôi kiếm được rèn bằng Lục Độ Ba-la-mật. Lưỡi kiếm được làm bằng Vô Lượng Tam Muội, sóng kiếm được kết tinh bởi Trí Tuệ Bát Nhã.
- Như Lai Vô Thượng Kiếm, còn gọi Pháp Tánh Chân Như Kiếm.
Đây là thanh kiếm tối thắng đệ nhất trong các loại Xuất Thế Gian Kiếm với năng lực tối thượng không thể nghĩ bàn, vì vượt ra ngoài mọi suy tư và trắc lượng của chúng sinh, kể cả các vị chứng quả Thanh Văn, Duyên Giác.
Như Lai Vô Thượng Kiếm có vỏ kiếm được thành tựu bởi Giải Thoát Đức, chuôi kiếm được kết tinh bởi Pháp Giới Tánh Bình Đẳng Sự Sự Vô Ngại, lưỡi kiếm được đúc rèn bằng Bát Nhã Đức, tức là Phật Tri Kiến, và sống kiếm được lưu xuất từ Pháp Thân Đức.
Sau khi nghe ngài La Thập trình bày Sáu loại kiếm trong pháp giới, vua Diêu Hưng sau một hồi suy nghĩ, chẳng biết quyết định một loại kiếm nào để trị quốc, an dân, bình định thiên hạ như hoài vọng của mình. Thế Gian Kiếm chỉ là sản phẩm của thế gian, tuy cường liệt, uy mãnh, nhưng chỉ có giá trị nhất thời, năng lực hạn chế, chẳng lâu dài. Còn Xuất thế gian kiếm quá cao viễn, tất cả đều quá siêu việt, tối thắng, chỉ dành riêng các bậc thánh nhân, cao tăng, những kẻ phàm phu, chúng sinh bình thường rất khó có thể thể đạt tới.
- Phần III: Niệm Phật Kiếm
Ngài Cưu Ma La Thập sau khi nghe nghe vua bày tỏ không chọn được loại nào trong sáu loại kiếm, cảm thông sâu sắc tâm nguyện và trăn trở của vua, dồn hết tâm huyết để trao cho vua Diêu Hưng một thanh Kim Cang Bảo Kiếm. Ngài La Thập nói rằng Kim Cang kiếm là loại kiếm tối thắng, hiệu quả vô biên, lưu xuất diệu dụng vô cùng vô tận trong bất cứ xứ sở nào, thời gian nào. Đặc biệt là bất kỳ chúng sinh nào đều sử dụng dễ dàng và có thể phát huy uy lực vô hạn của nó.
Các vị Thiên Tử, nếu thủ đắc thanh Kim Cang Bảo Kiếm này, thì có thể vỗ yên trăm họ, thuần dưỡng muôn dân, làm cho sĩ phu quy thuận và quân tử tâm phục. Nhờ vậy, với uy lực nhiệm mầu của Kim Cang Bảo Kiếm, tuy ở ngôi vị vương bá nhưng lúc nào cũng không quên đem đức tin và ánh sáng tâm linh đến cho con đỏ, rưới cam lộ ngọt ngào khắp nhân gian, khiến ai nấy đều an cư lạc nghiệp, vui hưởng thái hòa, hạnh phúc.
Nếu là kẻ phàm phu, thì lại rất cần đến uy lực vô biên của Kim Cang Bảo Kiếm để chặt đứt gốc sinh tử, bẻ gãy cạm luân hồi, quét sạch bóng tối Vô Minh, phá trừ phiền não, đập vỡ ngã chấp, kiến chấp mà thẳng tới Bồ Đề, hiển lộ Pháp Thân và thành Phật ngay hiện đời, không cần chuyển kiếp mà vẫn khai ngộ.
Vô cùng cảm kích và mừng rỡ vì đã tìm được một thanh bảo kiếm phù hợp, nhà vua liền ngưỡng mong Quốc sư từ bi hoan hỉ ban cho. Vậy là, Ngài Cưu Ma La Thập truyền trao cho Phật tử Diêu Hưng thanh Kim Cang Bảo Kiếm mệnh danh là Vô Lượng Thọ Quang Nhất Thừa Kiếm, còn gọi là Tối Thượng Phật Thừa Kiếm, hoặc gọi tắt là Niệm Phật Kiếm.
Niệm Phật Kiếm có vỏ kiếm được rèn bằng Giới Luật do chính đức Thích Ca chế tác, có thể là Ngũ-giới của cư sĩ tại gia, có thể là Tỳ-kheo giới, hoặc Bồ-tát giới...Lưỡi kiếm được kết tinh bởi thiền định Tối Thượng Thừa của Phật giáo, tức pháp môn Niệm Phật, còn gọi là xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Sống kiếm được luyện bằng Phật Tri Kiến hàm tàng trong tam tạng giáo điển Đại Thừa. Chuôi kiếm được chế tạo bằng Bản Nguyện siêu việt của Phật A Di Đà.
- Phần IV: Khởi nguyện vĩ đại
Sau khi tiếp nhận Niệm Phật kiếm, vua Diêu Hưng cho chấn hưng Chánh Pháp, hộ trì Chánh Pháp, hoằng truyền giáo nghĩa Tối Thượng Nhất Thừa, quyết tâm làm cho ngọn đuốc Đại Thừa càng ngày càng tỏ rạng, hầu mang lại lợi ích cho hết thảy chúng sinh không phân biệt. Trong công cuộc trị nước, an dân, bình thiên hạ, Diêu Hưng nguyện sử dụng và phát huy tất cả năng lực bất tư nghị của danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật để mưu đồ lợi lạc cho bá tánh, thái hòa cho xã tắc, ổn cố cho triều đình, cũng như thành tựu sự Giác Ngộ Tâm Linh cho bản thân, ban bố rộng rãi Chánh Pháp Như Lai khắp mọi chúng sinh tùy theo sở cầu của họ, mà không đòi hỏi điều kiện nào cả.
Diêu Hưng thành lập một Đại Hội Phiên Dịch Kinh Điển Đại Thừa, cung thỉnh và phong tặng Cưu Ma La Thập tôn hiệu: Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư. Trước tiên, tiến hành dịch thuật bộ Đại Phẩm Bát Nhã từ tiếng Bắc Phạn sang tiếng Trung Nguyên, tiếp theo sẽ tuần tự phiên dịch các bộ kinh đại thừa như A Di Đà Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Kim Cang Bát Nhã Kinh, Duy Ma Kinh...
Với sự quan tâm hết sức nhiệt tình và cung kính của nhà vua, Ngài Cưu Ma La Thập chịu khó chịu nhọc suốt hơn mười hai năm, đã phiên dịch ra Hán văn cả thảy 98 bộ kinh Đại Thừa, gồm hơn 390 cuốn.
Kim Cang Bảo Kiếm mà Ngài La Thập trao tặng cho vua Diêu Hưng, chính là danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, chính là giáo điển Đại Thừa, được lưu truyền mạnh mẽ sâu rộng đến ngày nay, và càng lúc càng rực rỡ hơn mãi.
- Kết luận
Những thanh kiếm xuyên suốt trong điển tích, có nhiều dụng ý xoay quanh về các tầng nhận thức và giác ngộ tâm linh. Người trần thế, còn trong vòng luân hồi thường đeo trong mình những lưỡi kiếm thế gian đầy rẫy đau khổ, bậc tu hành tìm giác ngộ, giải thoát chọn lưỡi kiếm xuất thế gian cao siêu, người thánh thiện muốn cứu nhân độ thế, giúp đỡ chúng sinh chọn lưỡi kiếm trí tuệ đại chúng của bậc Bồ tát…
Mỗi con người hoàn toàn có thể tự lựa chọn cho mình một thanh kiếm phù hợp cho cuộc đời của mình. Nếu đã được sống một kiếp người, chúng ta nên chọn cho mình một thanh kiếm trí tuệ, vì trí tuệ là vũ khí sắc bén để chặt đứt mọi sự vô minh, phiền não, nhiễm ô, ngự trị nơi tâm thức của chúng sinh. Khi tâm đoạn trừ được những vô minh và phiền não dấy khởi, thì tức khắt đạt được sự an lạc hạnh phúc.
Luckii chạm khắc nên hình tượng thanh kiếm như là một vật tâm linh hộ trì, khắc ghi chủ nhân sống có trí tuệ, tỉnh thức và thấu hiểu, mới cắt đứt dần các độc tham sân si trong tâm, từ đó cũng loại trừ được các tà khí xung quanh mình. Các tà độc đó chính là con quỷ ẩn thân trong tâm rất khó lường, chuyên quấy phá công danh sự nghiệp, hạnh phúc của bản thân bạn. Giữ cho tâm sáng, tâm tỉnh thức là thanh kiếm quý báu của một người luôn đạt thành công trong cuộc sống.

THỦ ẤN
Khi chiêm bái tranh hoặc tượng Phật tại các chùa hoặc tu viện, chúng ta thường thấy hình tượng của Đức Phật được khắc họa với các tư thế tay rất đặc biệt vừa giống như là một cử chỉ tự nhiên, vừa như thể hiện dấu hiệu của Phật tính. Đó chính là thủ ấn Phật (hay còn gọi là Mudra trong tiếng Phạn).
Mudra, tức cử chi, tư thế của bàn tay và ngón tay, từ thưở xưa theo văn hóa Ấn giáo, thường được ghép đôi với Mantra (thần chú), được xem như một thể thức cầu khấn. Trong khuôn khổ một nghi lễ, người giáo sĩ vừa đọc một mantra vừa xác định một vị trí cho bàn tay, vị trí có thể thay đổi tùy theo chữ, theo câu hay âm vang của giọng đọc. Mudra như vậy đã xác minh giáo sĩ là người có quyền hạn nắm giữ kiến thức và quyền hành. Những chức vụ đạo giáo thường được dành cho một giới tinh hoa và ở Ấn Độ, những giáo sĩ Bà La Môn luôn tìm cách giữ độc quyền.
- Trong văn hóa Phật giáo, mudra trước tiên được dùng để tỏ rõ những cử chỉ của đức Phật. Nó được xem như là một từ vựng tượng trưng, dễ hiểu cho dân chúng nhưng phù hợp với những quy tắc đã được công nhận. Nó thay thế những văn bản không thông dụng trong đại chúng, không phải ai cũng có và đọc được. Cốt yếu nhất là nó biểu đạt một khái niệm tôn giáo. Thật vậy mỗi một lời nói, mỗi một cử chỉ của đức Phật là một chỉ đạo tinh thần, vạch ra một quan hệ giữa con người. Khi sử dụng mudra trong các cuôc tập luyện tinh thần định tâm hay tập trung, các tu sĩ mong ước sáng tạo những hoạt lực đồng thời kêu gọi thần linh. Vì vậy họ thường dùng mudra trong sự thực hành nghi lễ thờ phụng, khẩn cầu. Khi gần đến chính giác muốn đạt, những jogin thường có một vị trí chính xác các bàn tay. Ngược lại, nhìn vị trí bàn tay, người ta có thể suy đoán trạng thái của người jogin. Mỗi mudra nhắc lại một lúc nào đó trong đời đức Phật hay chứng nhận một khái niệm đạo giáo.
Phật giáo phương Nam thường sử dụng rất giới hạn vài ấn quyết như Thiền thủ ấn Dhyana mudra, Địa xúc ấn Bhumisparsha-mudra, Chuyển pháp luân ấn Dharmacakra-mudra, Vô úy ấn Abhaya-mudra, Thí nguyện ấn Varada-mudra, Giáo hóa ấn Vitarka-mudra, Trì bình ấn Patahattha Mudra trong hình tượng đức Phật.
- Bên cạnh đó, các nhà tu luyện Yoga tin tưởng rằng, năm ngón tay của chúng ta bản chất có sự tương ứng với năm yếu tố cơ bản trong vũ trụ. Bao gồm: Đất, Không khí, Lửa, Nước và Không gian.
Để cân bằng lại năm nhân tố này, có một số phương pháp cụ thể quy định cách đặt, chạm và sắp xếp các ngón tay với nhau, hay còn lọi là Hast – Mudras. Người ta tin rằng cơ thể con người được hình thành từ năm yếu tố trái đất tương ứng với năm ngón tay. Bởi dây thần kinh tập trung dày đặc trên bàn tay nên đây được coi à bộ phận tập trung nhiều năng lượng nhất. Khi bạn thủ ấn đúng cách, có thể thúc đẩy sự lưu thông năng lượng ra khắp cơ thể.
Như vậy, thủ ấn là biểu tượng tâm linh huyền diệu đã có từ rất lâu đời trong lịch sử từ xa xưa của Ấn giáo và Phật giáo, và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và khoa học yoga ngày nay. Luckii tạo hình Thủ ấn gồm năm ngón tay uyển chuyển, đan xen với năm bông hoa. Hình tượng này tượng trưng cho:
- Ngũ vật chất: Đất, Không khí, Lửa, Nước và Không gian, là năm yếu tố hữu hình cấu thành vũ trụ.
- Ngũ căn: năm khả năng, năm sức mạnh
Lòng tin tưởng sâu đậm vào Ba Ngôi Báu (tín căn).
Chí kiên trì tu học và hành đạo (tinh tấn căn).
Thường trực sống trong tỉnh thức (niệm căn).
Tâm ý tập trung, tĩnh lặng (định căn).
Quán chiếu để thấy rõ chân lí (tuệ căn).
- Năm Phép Quán của Bồ Tát Quán Thế Âm
Chân quán: Quán chiếu về tính không của vạn hữu để trừ khử mọi kiến chấp và tư tưởng sai lạc, từ đó thấy rõ thật tướng bình đẳng của vạn hữu.
Thanh tịnh quán: Quán chiếu về tính giả của vạn hữu để diệt trừ tận gốc rễ mọi phiền não, dù là những loại phiền não vi tế nằm trong sâu thẳm tận cùng của tàng thức (a-lại-da.
Trí tuệ quán: Khi mọi gốc rễ thâm sâu của vô minh đã bị bật tung hết rồi, khi mà mọi chủng tử ô nhiễm đã chuyển hóa sang trạng thái thanh tịnh hết rồi, thì tuệ giác bừng sáng.
Bi quán: Do tâm nguyện độ sinh, Bồ-tát dùng ba phép quán ở trên quán chiếu mọi khổ não của chúng sinh để giúp họ diệt khổ.
Từ quán: Do tâm nguyện độ sinh, Bồ-tát dùng ba phép quán ở trên quán chiếu mọi khổ não của chúng sinh để đem niềm an vui đến cho họ.
Biểu tượng Thủ ấn oai lực không chỉ dành cho các Phật tử mà dành cho tất cả chúng sinh. Thủ ấn trong tác phẩm của Luckii tượng trưng sự cân bằng các yếu tố vũ trụ, cân bằng các yếu tố âm dương, tích cực lẫn tiêu cực trong tâm thức. Bên cạnh đó, Luckii muốn gửi gắm vào Thủ ấn lời dạy của Bồ tát, thực hành cứu độ chúng sinh, làm điều tốt cho xã hội, chia sẻ khó khăn với những người cần sự giúp đỡ, tạo nhiều phước lành. Từ đó, đem lại cuộc sống hài hòa, an lạc cho bản thân, gia đình, con cháu về sau.

LINH SƯ
Sư tử là loài linh thú thường xuất hiện tại các công trình Phật giáo ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Nhưng có một điều là Việt Nam (và các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) là xứ sở không có sư tử. Trong lịch sử xa xưa thì hổ/cọp được tôn làm con vật thượng thủ của loài thú, thay vì sư tử như các xứ có sư tử.
Trong thực tế, sư tử không xuất hiện trong danh mục đề tài mỹ thuật sơ kỳ của Trung Quốc. Hình tượng sư tử được du nhập theo sự truyền bá của Phật giáo. Theo đó, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tôn là Pháp vương, giống như sư tử là vua của loài thú: lời thuyết pháp của Phật được gọi là “sư tử hống” (tiếng rống của sư tử), biểu thị uy lực và diệu dụng của Phật pháp thu nhiếp được tất thảy chúng sinh. Cũng có dữ liệu cho rằng Phật là sư tử của dòng họ Sakya. Những điển tích đó giải thích việc khắc chạm một cặp sư tử trên tọa cụ của Phật Thích Ca xuất hiện ngay thời “vô tượng kỳ” - khoảng 500 năm sau khi Phật Thích Ca nhập Niết-bàn - là thời kỳ không được phép tạc tượng Phật theo hình dạng con người. Đây là nguồn cội của việc thể hiện vô số sư tử, cả điêu khắc lẫn hội họa trong mỹ thuật các quốc gia Viễn Đông chúng ta. Sư tử thường được coi là vật bảo hộ cho đền chùa hay các ảnh tượng. Trong ngôn ngữ thông tục của giới sưu tập cổ vật phương Tây, sư tử thường được gọi là “Phúc khuyển” hay “Phật khuyển” là do ảnh tượng sư tử luôn gắn với ảnh tượng Phật giáo, với chùa chiền Phật giáo.

Tuy xuất hiện muộn, song cặp đôi sư tử, cạnh tranh với đồ án “lưỡng long”, là cặp đôi có chức năng “trấn giữ” đền chùa, điện, công thự, thậm chí cả lăng mộ ở Trung Quốc. Chúng thường được thể hiện ở tư thế “sẵn sàng chiến đấu” và hình tướng luôn có dáng vẻ đe dọa.
Loại sư tử trấn giữ này được xác định là có từ thế kỷ thứ III sau Tây lịch. Trong khi đó, múa sư tử, một hình thức biểu diễn đã trở thành truyền thống trong dịp lễ Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) hàng năm vốn gốc từ vùng Tây Á du nhập vào Trung Quốc vào đời nhà Đường. Bấy giờ vũ công múa sư tử đeo mặt nạ sư tử làm bằng gỗ với mắt màu vàng kim, răng bạc trắng và đuôi tết bằng những sợi dây. Đến đời nhà Tống, sư tử được coi là “chúa của muôn thú”, giống như quan niệm của phương Tây và rồi trong các tiểu thuyết chương hồi thế kỷ XVII, sư tử được miêu tả như một “linh thú”, sư tử thành vật cỡi đầy quyền năng của các nhân vật trong truyện Phong thần. Điều này có thể coi là “phiên bản” của ảnh tượng Bồ-tát Văn Thù cỡi sư tử thuộc quy phạm đồ tượng học truyền thống Phật giáo hay xa xưa hơn là biểu tượng Nara-simha (người sư tử), kẻ có sức mạnh và lòng dũng cảm diệt trừ cái ác và sự ngu muội/ vô minh.
Trong ngữ cảnh văn hóa Hán, sư tử là con vật thuần túy có tính biểu trưng, hình tướng cách điệu cao, thậm chí khó tìm thấy chi tiết nào giống như sư tử thật. Nó có công năng bảo hộ, chống lại các thế lực ác độc, tà mị và đồng thời cũng mang lại điều tốt lành, thịnh vượng. Điều đáng lưu ý là nguyên tắc cặp đôi sư tử đực-cái của Trung Quốc, biểu thị cho “Âm-dương điều hòa”, điều kiện chính yếu làm nền tảng cho điều cát tường “Mưa thuận gió hòa” tạo nên thành quả “Phong đăng hòa cốc”... Ở đây, dường như quy thức cặp đôi sư tử như vậy hàm chứa sự bảo thủ tín lý “cặp đôi lưỡng tính” của linh thú Kỳ-Lân cổ xưa. Cũng như Phượng-Hoàng, Uyên-Ương, Kỳ-Lân (Kỳ=đực, Lân=cái) biểu trưng cho cái Một lưỡng tính (androgyne), hàm chứa ý nghĩa vũ trụ, ý nghĩa khởi nguyên.

Ở Shisa/Nhật Bản:
Loại sư tử-chó Komainu thường đặt cặp đôi để bảo vệ các đền thờ Thần Đạo, được coi là có nguồn gốc từ tượng sư tử trấn giữ Trung Quốc. Đôi khi Komainu cũng được thấy đặt ở chùa Phật và các tư dinh của tầng lớp quý tộc Nhật Bản. Komainu là cặp đôi có công năng trấn giữ, trừ tà; song các tượng thời hiện đại thường là một con há miệng và một con ngậm miệng. Tín niệm này bắt nguồn từ loại tượng hộ pháp Phật giáo mà chúng ta thường gọi là “Hanh Cáp nhị tướng” (Hai tướng Hít Thở). Ở đây, có nhiều cách cắt nghĩa về hình tướng này. Có ý kiến xác định rằng Komainu đực hít vào, biểu thị cho sự sống; và con cái thở ra, biểu thị cho cái chết. Lại có ý kiến cho rằng, cái miệng há ra là nhằm phát âm mẫu tự “A” (Sanskrit) và cái miệng ngậm lại phát âm mẫu tự “Um”, biểu thị sự mở đầu và kết thúc của mọi sự vật. Aum là âm tiết thiêng của nhiều tôn giáo như Ấn giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo... Theo đó, có Komainu dạng A và Komainu dạng Um.
Ở Gajasimha/Madhya Pradesh, Ấn Độ:
Sư tử chính là hiện thân của quyền lực, là biểu tượng của các bậc tôn quý. Sách Gita: Krishna là sư tử giữa các loài thú; Đức Phật là sư tử của dòng tộc Sakya; và kinh, luận Phật giáo thường lấy sư tử dụ cho đức vô úy và sự vĩ đại của Đức Phật; tòa ngồi của Đức Phật gọi là “tòa sư tử” (simha-sana); Phật thuyết pháp gọi là “sư tử hống” (simhanada)...
Huy hiệu của Asoka (232, tr. CN) (vị vua sùng tín Phật giáo đã lấy lại Ấn Độ từ tay người Hy Lạp và Ba Tư, thống nhất đất nước) mang hình ba con sư tử tựa lưng trên một cái bệ hình bánh xe, với tiêu ngữ: Chân lý sẽ thắng. Do lòng sùng đạo của Asoka, ba con sư tử có thể biểu trưng cho Tripitaka (Tạm tạng kinh điển của Phật giáo) và cũng có thể biểu trưng cho Tam bảo Phật-Pháp-Tăng.
Với các nội dung biểu trưng nêu trên, sư tử từ Ấn Độ đã thâm nhập vào văn hóa của các cộng đồng, quốc gia Đông Nam Á. Một cách tổng quát, ở khu vực này, khá giống với Ấn Độ, đều tồn tại đồng thời hai loại sư tử: một là, sư tử tự nhiên (simha) với sức mạnh thù thắng của chính nó; và hai là, loại sư tử thiêng, kết hợp sư tử với một số bộ phận của các con vật khác để tạo thành những loại linh vật - giống sư tử có tính chất siêu nhiên.
Trong mỹ thuật Khmer phổ biến có hai loại sư tử. Một là, sư tử tự nhiên, được gọi là “Tao”, có công năng canh gác cổng, bậc cấp các đền, tháp, chính điện thờ Phật; và hai là loại “Rêachsei”, được tạo hình cách điệu hệt như Singh (Thái) và Chinthe (Miến Điện). Loại thứ hai này, thảng hoặc cũng thấy đặt ở cổng, bậc cấp chùa tháp, song đặc biệt phổ biến là làm bệ đỡ cho chiếc ghế dành cho sư sãi thuyết pháp và Rêachsei được coi là chúa của các loài thú ở rừng thiêng Hêmapiên (Himalaya). Sự khu biệt giữa Tao và Rêachsei này, có phần tương đồng với sự phân biệt giữa sư tử và nghê của người Việt ta.
Nghê là một linh vật được một số nhà nghiên cứu khẳng định là “linh vật thuần Việt Nam được sáng tạo để bảo vệ đời sống tâm linh của người Việt”, và rằng “hình tượng mang đầy đủ ý niệm và tâm linh của người Việt Nam”. Họ xác định nghê là hình tướng cách điệu của chó đá trấn trạch, bảo hộ làng mạc... Sự thật, nghê là loại sư tử có trong danh sách linh vật của Trung Quốc.
Theo Hán-Việt từ điển của Thiều Chửu: “Toan nghê tức là sư tử”. Cách hiểu này phổ biến lâu đời ở Trung Quốc, cả trong văn tự lẫn trong mỹ thuật, đặc biệt trong các đồ án khánh chúc cát tường. Ngoài toan nghê/ sư tử nói trên, chúng ta còn có một loại nghê khác, là một trong chín con của rồng, còn gọi là kim nghê: hình giống sư tử, thích khói lửa nên thường đặt trên đỉnh lư hương, lư trầm. Như vậy, theo truyền thống nghê là một dạng thức tạo hình nghệ thuật của sư tử và trong chừng mực nhất định linh thú này được “rồng hóa”, được xếp vào bộ “cửu long”, chín đứa con của rồng. Có lẽ chính điều này đã khiến cho hình tướng nghê khác sư tử.

Trên đây là một số kiến thức tổng hợp về hình tượng sư tử trong các nền văn hóa phương Đông, còn chưa bàn đến văn hóa phương Tây. Dù là ở nơi đâu, sư tử luôn là loài vật thượng thủ của các loài thú, luôn là biểu tượng cho những bậc hiền minh, tôn quý, là linh vật bảo hộ đầy uy lực. Con linh sư trong tác phẩm của Luckii, vương mình oai vệ trên mõm đá, đầu ngẩng cao dũng mãnh, là hiện thân của sức mạnh, oai linh cả về thể chất lẫn trí tuệ. Sư tử nằm trong bàn tay của một người bản lĩnh, dũng cảm, muốn chinh phục thử thách, làm chủ vận mệnh, thì xứng đáng và phù hợp hơn cả.

CỎ BỐN LÁ
Ngày xửa ngày xưa, Thượng đế sẽ trao cho bốn món quà khi mỗi đứa trẻ ra đời, nhưng để tìm được chúng, đứa trẻ ấy phải mãi đi tìm, tìm trong rừng sâu của cuộc đời với trái tim dũng cảm. Bốn món quà ấy chính là loại cỏ bốn lá - loại cỏ sẽ mang lại nụ cười hạnh phúc mãi mãi – nụ cười hạnh phúc của trẻ thơ. Khi tìm được ngọn cỏ bốn lá, đứa trẻ sẽ đứng trong gió, đặt ngọn cỏ vào trái tim nóng ấm và hát vang một khúc ca. Mỗi lá trên ngọn có sự tượng trưng cho 1 thứ quý giá nhất của cuộc sống.
Lá thứ nhất – đứa bé thì thầm: đó là niềm tin
Lá thứ hai – đứa bé mỉm cười: đó là hy vọng
Lá thứ ba – đứa bé thầm nghĩ: đó là tình yêu
Vậy lá cuối cùng: đó chính là sự may mắn
Mãi sau này, mỗi đứa trẻ sinh ra lớn lên phải đi tìm công danh và sự nghiệp, nên chúng lãng quên con đường tìm đến với ngọn cỏ bốn lá mà thượng đế trao cho. Đến khi chúng vấp ngã, chúng mới nhớ đến khúc đồng dao của ngày xưa. Chúng thẫn thờ và than thở:
“Hỡi cây cỏ bốn lá của tôi đâu ?”
Nhưng đứa trẻ đâu biết Thượng đế trên cao đang mỉm cười:
“Khi đứa trẻ tin rằng mình không cô độc khi vấp ngã, đó là niềm tin
“Và khi đứa trẻ nghĩ rằng mình phải đứng dậy là đi tiếp, đó là niềm hi vọng…
“Khi đứa trẻ đau vì vấp ngã, đó là tình yêu…
“Khi đứa trẻ nhìn thấy những đứa trẻ khác còn đau khổ hơn mình, đó là sự may mắn.”
Đó là câu chuyện cổ ngụ ngôn dễ thương kể về cỏ bốn lá. Cỏ bốn lá từ lâu đã được xem là một biểu tượng nhỏ nhắn, xinh xắn, tượng trưng cho may mắn, một món quà của Thượng đế trao tặng. May mắn là một điều có thể tình cờ đến với bất kì ai, có người luôn gặp may, có người thì không. Thực tế là trong những yếu tố tạo nên thành công, thì may mắn luôn là một yếu tố cần thiết. Nhưng nếu chúng ta không có vận may, thì có gặt hái được thành công không ? Nếu suốt đời cứ kém may mắn, chỉ gặp thiệt thòi thì sao ? Làm sao có được vận may của đời mình ?
Không phải ai cũng dễ dàng gặp được may mắn, may mắn vốn là món quà hiếm có của trời đất, là phước đức nhiều đời để lại. Tuy nhiên, chúng ta có thể có cơ hội tìm được chiếc lá thứ tư của mình bằng nỗ lực. May mắn có được là do vận mệnh ở mỗi người. Vận mệnh lại được quyết định bởi vận khí, vận khí được quyết định bởi tâm thức, mà tâm thức vẫn có thể thay đổi được. Nói theo cách đơn giản là nếu suy nghĩ tốt thì sẽ luôn may mắn, còn suy nghĩ tiêu cực sẽ không được may mắn.
Khi đem đến các bạn chiếc cỏ bốn lá, cùng chú bọ rùa xinh xắn này, Luckii không mong cầu các bạn nhận một niềm may mắn nào tự nhiên có. Bởi vì may mắn là một ân phước sẵn có trong vận mệnh của bạn từ trước, dùng rồi, xảy ra rồi sẽ hết. May mắn có được do bạn phấn đấu thì không bao giờ hết, càng cố gắng nhiều bao nhiêu, cơ hội có được may mắn càng nhiều bấy nhiêu.
Cỏ bốn lá mà bạn tự tìm ra được mới là chiếc lá đáng quý nhất!